Trong những năm trở lại đây, Tân Cảng Sài Gòn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thương hiệu “Tân Cảng” thực sự đã thành một thương hiệu lớn, có uy tín khẳng định được vị thế trong khu vực và thế giới. Hiện tại, Tân Cảng Sài Gòn đang điều hành 02 cảng container lớn nhất Việt Nam là cảng Tân Cảng - Cái Mép khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu – Cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam có khả năng tiếp nhận tàu với sức chở 11 vạn tấn đi thẳng Hoa Kỳ và Châu Âu; Cảng Tân Cảng – Cát Lái ở Tp. HCM đứng top 40 cảng container hàng đầu thế giới. Năm 2010, sản lượng thông qua các cảng của Tân Cảng Sài Gòn đạt 2,8 triệu teus tương đương 37 triệu tấn, chiếm 80% thị phần container xuất khẩu khu vực Tp.HCM và 50% thị phần container thông qua cả nước. Từ năm 2006 – 2010 duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng đạt mức cao, bình quân 32%/năm. Mới đây, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa vào hoạt động cảng container Tân Cảng- Sa Đéc tại tỉnh Đồng Tháp với công suất 6.000 TEU/tháng.
Để có được những kết quả đó, ngoài yếu tố khách quan như chuyển biến của nền kinh tế sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì yếu tố chính mang lại thành công cho Tân Cảng Sài Gòn chính là bản lĩnh, ý chí của một người lính Hải Quân, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn kiên cường, vững vàng trước những khó khăn, thử thách; luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên. Cùng chiến lược và bước đi đúng đắn, phù hợp (chiến lược kinh doanh, chiến lược Marketing, nghiên cứu thị trường …), vận dụng tốt chính sách hội nhập, cổ phần hóa, lựa chọn công nghệ và đầu tư...
Ngoài nhiệm vụ quốc phòng, Tân Cảng Sài Gòn tập trung vào lĩnh vực chủ đạo là khai thác cảng biển để mở rộng cơ sở và ngành nghề, kết nối và bổ trợ cho phát triển hoạt động tại các cảng của Tân Cảng Sài Gòn. Cùng với phát triển sản xuất kinh doanh tại những cơ sở sẵn có, tiếp tục từng bước mở rộng quy mô với những dự án phát triển như dự án tổ hợp cảng Lạch Huyện ( Hải Phòng), cảng Thị Nại (Quy Nhơn), các dự án cảng tại Đồng Tháp và từng bước vươn xa khu vực và thế giới, trước mắt là nghiên cứu các dự án cảng tại Campuchia, Myanmar…
Về công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập và các hoạt động xã hội, từ thiện của Tân Cảng Sài Gòn, ông Trần Khánh Hoàng – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã góp phần phát triển thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn một cách bền vững, đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu suốt những năm qua của Tổng công ty. Với biện pháp nâng cao giá trị truyền thống văn hóa, Tổng công ty đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục, nâng cao ý thức của CBCNV, tạo niềm tự hào và ý thức trách nhiệm. Slogan của chúng tôi là “Đến Tân Cảng Sài Gòn, đến với chất lượng dịch hàng đầu ”. Không chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, chúng tôi luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp để mọi người đồng thuận thấy được trách nhiệm trong phục vụ khách hàng và cao hơn là coi phục vụ tốt là niền tự hào của mỗi cá nhân, nét đẹp của Thương hiệu Tân Cảng.
Hàng năm, Tân Cảng dành khoảng 20 tỷ (01 Triệu USD) cho các hoạt xã hội, từ thiện. Điều đó có nhận thấy ở Tân Cảng khác biệt với các doanh nghiệp khác là sự gắn bó, đoàn kết của từng CBCNV, chiến sĩ với mái nhà chung Tân Cảng.
Về hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Khánh Hoàng khẳng định: Thời gian tới, Tân Cảng Sài Gòn sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các Cảng sông, bất động sản, tăng cường các loại hình dịch vụ, kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực…và mong muốn các nhà đầu tư quốc tế có tâm và có tầm trong những lĩnh vực trên đến hợp tác đầu tư.
vccinews.vn