Được thành lập vào năm 1989, sau hơn 23 năm trưởng thành và phát triển, Tân Cảng Sài Gòn đã trở thành thương hiệu cảng dẫn đầu cả nước về khai thác cảng container, với cơ sở vật chất được trang bị hiện đại nhất Việt Nam và ngang tầm với các cảng tiên tiến trong khu vực. Những cơ sở hạ tầng của Tân Cảng Sài Gòn đều được xây dựng trên tầm nhìn chiến lược, nằm trong khu vực tứ giác phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, khu kinh tế trọng điểm phía Bắc và Miền Nam Trung Bộ, tạo ra sự liên kết chuỗi chặt chẽ. Qua đó, đã góp phần không nhỏ vào việc luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Được biết, năm 2011, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 3 triệu TEU. Hiện nay, thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn cũng là lựa chọn của hơn 80 hãng tàu quốc tế khi đưa tàu vào Việt Nam.
Dám nghĩ, dám làm và những bứt phá dẫn đầu
Theo Ông Trần Khánh Hoàng, PTGĐ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn: “Với tầm nhìn chiến lược, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn xác định thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp là nhân tố quan trọng tạo nên hình ảnh và tạo dựng uy tín cho các gói sản phẩm dịch vụ của Công ty. Vì vậy, Tân Cảng Sài Gòn đã và đang chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển vào những yếu tố cốt lõi tạo nên thương hiệu”.
Chất lượng dịch vụ được Công ty xác định là yếu tố then chốt, đặt lên hàng đầu và làm việc với tâm niệm: “Đến Với Tân Cảng Sài Gòn – Đến với chất lượng dịch vụ hàng đầu”. Và để kiểm soát, đẩy mạnh công tác này, Ban nâng cao chất lượng dịch vụ của Công ty đã ra đời. Đi cùng với đó là hàng loạt những chương trình thi đua được phát động lan tỏa khắp Tổng Công ty, từ công tác chuyên môn, tác nghiệp, quy trình dịch vụ, cơ sở hạ tầng, thiết bị đều có những tiêu chí đặt ra và được đánh giá theo tuần, tháng, quý và năm. Qua đó rút kinh nghiệm những gì chưa làm được và tiếp tục phát huy những thành quả đã gây dựng.
Song song đó là sự đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và mở rộng hệ thống logistics. Công ty liên tục mở rộng quy mô và đưa vào hoạt động các hệ thống cảng hiện đại, hiệu quả như: Tân Cảng – Cát Lái, Tân Cảng – Cái Mép, cùng hệ thống cảng, ICD từ Nam ra Bắc tại các trung tâm, khu công nghiệp lớn với hệ thống kho bãi và cầu cảng được đầu tư hoàn chỉnh.
Yếu tố khoa học công nghệ thông tin cũng được Công ty chú trọng đầu tư với mục tiêu giảm chi phí cho Cảng, hãng tàu và khách hàng. Từ tháng 6/2008, Công ty đã đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý khai thác cảng mới (TOPX). Năm 2011, tiến hành lắp đặt GPRS trên tất cả các phương tiện vận tải bộ và thủy của Cảng để có thể giám sát quản lý hàng hóa vận chuyển từ Cảng tới các ICD và cảng khác, triển khai hệ thống E-port cho phép các hãng tàu truy cập các thông tin về tàu và hàng hóa từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Công ty cũng phối hợp với ngân hàng triển khai chương trình Token và Mobivi tạo tiện lợi cho khâu thanh toán. Được biết, hiện tại, Công ty còn triển khai chương trình TOPO VN, và trong tương lai sẽ phát triển đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin ở các kho nhằm tạo thông tin về hàng hóa cho khách hàng một cách tối ưu nhất.
Con người là yếu tố được coi là tài sản vô giá và đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu của Tân Cảng Sài Gòn. Vì vậy Công ty luôn ưu tiên tuyển dụng, liên kết với nước ngoài đào tạo và có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ nguồn nhân lực. Đồng thời nỗ lực tạo dựng những giá trị riêng cho thương hiệu thông qua việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Ông Hoàng chia sẻ: “Một trong những bí quyết thành công của chúng tôi là chú trọng xây dựng văn hóa Tổng Công ty với tâm niệm: “Xây dựng cảng cách mạng, chính quy, hiện đại, văn minh, nghĩa tình”. Nét đẹp truyền thống của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong công ty thể hiện qua tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tâm, kỷ luật nghiêm, năng động, sáng tạo, luôn giữ chữ tín trong kinh doanh, sống có nghĩa, có tình, có trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, gia đình và xã hội - đó là những yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn. Tại Công ty, các cán bộ công nhân viên là thành viên của một gia đình lớn, luôn đoàn kết, có trách nhiệm xây dựng đại gia đình ngày càng phát triển”.
Chính vì những nỗ lực đi trước dẫn đầu, dám nghĩ dám làm và tinh thần đoàn kết như trên, kết thúc năm 2011, Tân Cảng Sài Gòn trở thành cảng đầu tiên của cả nước đạt sản lượng thông qua trên 3 triệu TEU, tăng 7,2% so với năm 2010, đem lại doanh thu 5.762 tỷ đồng, lợi nhuận 984 tỷ đồng, với thị phần chiếm hơn 83% khu vực thành phố Hồ Chí Minh và gần 50% sản lượng container xuất nhập khẩu của cả nước. Đặc biệt, thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn đã trở thành địa chỉ hơn 80 hãng tàu quốc tế chọn khi đưa tàu vào Việt Nam.
Vươn ra quốc tế
Là một doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế, có ý chí của người lính “Bộ đội cụ Hồ” với sự năng động, sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh, Tân Cảng Sài Gòn đang là nhà khai thác cảng duy nhất tại Việt Nam cung ứng dịch vụ khai thác cảng và logistics trọn gói cho các khách hàng xuất nhập khẩu, các hãng tàu trong và ngoài nước.
Trong số các cảng đang do Tổng Công ty tân Cảng Sài Gòn khai thác, có hai cảng container lớn nhất Việt Nam là cảng Tân Cảng – Cát Lái và cảng Tân Cảng – Cái Mép. Trong đó, theo quy mô được đầu tư, Cảng Cát Lái hiện đang đứng trong top 40 cảng container hàng đầu thế giới, có tổng diện tích gần 100 hec ta, 7 bến cập tàu, chiều dài cầu tàu 1.2km được trang bị 20 cẩu bờ hiện đại Panamax và 26 RTG 6+1, 185 xe đầu kéo. Riêng Tân Cảng - Cái Mép bao gồm hai cảng TCCT và TCIT với chiều dài cầu tàu 890m và 60 hec ta bãi - là cảng nước sâu lớn nhất khu vực Thị Vải- Cái Mép. Đây là cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động với các tàu mẹ vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ và Châu Âu, có thể đón nhận tàu trên 11 vạn tấn, và hiện đang đón 8 chuyến tàu trong một tuần.
Với tiềm lực ngày càng mạnh, đội ngũ nhân lực ngày càng tinh nhuệ, Tân Cảng Sài Gòn không chỉ tự tin khẳng định vị thế của mình tại Việt Nam, mà còn mở rộng hợp tác, liên doanh quốc tế tạo ra những thành tựu quan trọng với mục tiêu vươn xa ra biển lớn. Ngoài việc bắt tay hợp tác với ba hãng tàu lớn MOL, Hanjin và Wanhai thành lập cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT), liên doanh Tân Cảng – Cypress với Công ty Cypress Shipping phát triển đội xà lan vận chuyển hàng hai chiều giữa Tân Cảng – Cái Mép và Campuchia, liên doanh với Hãng tàu Mitsui O.S.K Lines và Công ty Cổ Phần dịch vụ Vận tải biển Hải Vân cho ra đời Công ty TNHH Dịch vụ Lai dắt Tân Cảng- Cái Mép, mới đây, Tân Cảng Sài Gòn cũng đã liên doanh với tập đoàn STC Group – Hà Lan thành lập Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng – STC với mục tiêu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam. Và hiện tại, Công ty đang tiến hành liên doanh với Vietsovpetro cho dự án Tân Cảng – Vietsovpetro Cam Ranh.
Với những thành công đã có, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đề ra phương châm cho năm 2012: “Mở rộng dịch vụ - Kết nối khách hàng - Tăng cường quản lý - Giảm thiểu chi phí - Kinh doanh hiệu quả”. Đồng thời, trong tương lai sẽ tập trung phát triển mảng logistics, tiếp tục mở rộng các cơ sở khai thác trong nước, tiến tới phát triển dịch vụ logistics ở Campuchia và Lào, liên kết với các đối tác có tiềm năng và kinh nghiệm đế phát triển dịch vụ Logistics toàn cầu. Song song đó, mở rộng kết nối mạng lưới khách hàng, đặc biệt là phát triển hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM- Customers Relationship Management) có từ năm 2011.
Như vậy, bằng những chiến lược dài hạn và sự đầu tư đúng hướng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang ngày càng phát triển, xây dựng được uy tín thương hiệu và thu hút được nhiều khách hàng không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế, xứng đáng đại diện cho thương hiệu Việt trong thời hội nhập WTO.
Vietnam Shipper