Doanh nhân khoác áo lính
Sinh ra ở một vùng quê ven biển xứ Thanh, nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân theo tiếng gọi tổng động viên của Tổ quốc, trải qua nhiều cương vị công tác trong Quân đội, từ trắc thủ ra đa, giảng viên Học viện Hải quân đến sỹ quan tham mưu cơ quan Quân chủng Hải quân và hiện nay, ở cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, có thể nói cuộc đời của Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm gắn với lực lượng hải quân, với biển đảo. Tình yêu biển và phẩm chất của một người lính là nền tảng, động lực để anh không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt lên chính mình để trở thành một vị tướng, một doanh nhân, cống hiến công sức, trí tuệ cho công cuộc phát triển kinh tế thời mở cửa và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
TGĐ Nguyễn Đăng Nghiêm đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm TCT TCSG
Tháng 2/1992, anh nhận nhiệm vụ về công tác tại Quân cảng Sài Gòn cũng là lúc chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa cho phép Quân cảng thực hiện nhiệm vụ làm kinh tế với tên gọi doanh nghiệp là Công ty Tân cảng Sài Gòn. Những ngày đầu tiếp nhận công việc mới đầy bỡ ngỡ, khó khăn trước một lĩnh vực hoàn toàn mới – kinh doanh cảng! Song đã từng trải qua nhiều cương vị công tác của thời kỳ đầu khó khăn đã cho anh nhiều kinh nghiệm trước thử thách: Không có việc gì khó! Nguyễn Đăng Nghiêm cùng cán bộ chiến sỹ Tân Cảng đã bắt tay vào công việc ngay từ những ngày đầu, từng bước xây dựng Tân Cảng lớn mạnh và trưởng thành.
Không ngừng đổi mới
Năm 2005, anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân tin tưởng giao trọng trách chỉ huy Quân cảng Sài Gòn - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn trong thời điểm đơn vị phải đối mặt với không ít khó khăn.
Khó khăn đầu tiên mang tính quyết định đó là: Theo Quy hoạch phát triển tổng thể Tp. Hồ Chí Minh và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về cụm cảng biển số 5 đến năm 2020, Tân Cảng phải di dời khai thác cảng ra khỏi khu vực trung tâm trong điều kiện kinh phí thiếu thốn, hoạt động kinh doanh chưa phát triển. Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm đã chủ động chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình di dời cảng Tân cảng ra khu vực Cát Lái, quận 2 với phương châm: “Đầu tư hiện đại, cung cấp dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, giữ vững thị phần, từng bước tạo thói quen cho khách hàng tại khu vực mới”. Năm 2007, việc di dời thành công, Tổng Công ty được Thành ủy, UBND Tp. Hồ Chí Minh biểu dương, khen ngợi; đồng thời cũng tạo điều kiện cho Tổng công ty phát triển, tăng năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, thu hút các hãng tàu, và khách hàng mới.
Khó khăn đã được giải quyết, nhưng không dừng lại ở đó, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm quan niệm, muốn doanh nghiệp phát triển phải dựa trên 3 yếu tố đó là: Chất lượng của doanh nghiệp, sự đổi mới và sáng tạo, sự tiên phong bứt phá.
Sự đổi mới có tính chất quyết định cho sự thành công của Tân Cảng Sài Gòn đó là năm 2008 khi Tân Cảng quyết định đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý điều hành sản xuất nhằm nâng cao năng suất giải phóng tàu, rút ngắn thời gian và tăng hệ số sử dụng bến. “Việc quyết định đầu tư 1 phần mềm với giá trị 1 triệu đô thời điểm đó là một quyết định táo bạo. Bởi với 1 triệu đô nếu đầu tư vào xe nâng, cẩu, thiết bị, nhà cửa… thì có thể nhìn thấy ngay sản phẩm, nhưng đầu tư vào 1 công nghệ thì chưa thể biết được là thành công hay thất bại” - Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Nghiêm suy tính.
Khi đầu tư vào công nghệ mới thì việc quản lý hàng hóa đều thực hiện bằng 1 hệ thống phản ánh trung thực, chính xác, không còn chuyện “ăn cắp” thời gian hay gian lận trong kiểm soát hàng hóa nữa. Nhưng làm thế nào để người lao động hiểu được họ không mất đi mà phải được thêm khi áp dụng công nghệ? Để làm được điều này, vị chỉ huy Tân Cảng Sài Gòn đã phải dùng đến kỉ luật quân đội. Cùng với nhiều biện pháp khác, sau gần 2 tháng, chương trình TOPX mới bước đầu hoàn chỉnh.
Đây là một kỉ niệm đẹp với những người tham gia điều hành, với vị tổng chỉ huy Nguyễn Đăng Nghiêm; còn với Tổng công ty thì lợi ích của chương trình đã tạo ra bước đột phá mới: năng suất giải phóng tàu tăng lên vùn vụt; tiết kiệm chi phí, kĩ năng người lao động được nâng cao.
Chuyện nghĩa tình
Ở cương vị là người đứng đầu doanh nghiệp, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm rất coi trọng nhân tố con người. Những năm qua, anh luôn quan tâm, chăm lo và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động trong Tổng công ty. Anh quan niệm, sự thành công của doanh nghiệp là sự đồng thuận giữa người quản lý và người lao động. “Tôi rất thích phương châm lãnh đạo: Hãy tìm sự đồng thuận trong doanh nghiệp, vì chỉ có sự đồng thuận mới tạo ra được một véc tơ cùng chiều, đồng thuận, từ đó doanh nghiệp mới đi đúng hướng”. Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm nói.
Kể về những chặng đường đã đi qua, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm cho rằng: cội nguồn của những thành tích đáng tự hào của Tân cảng Sài Gòn xuất phát từ phầm chất cao quý của người lính cụ Hồ, đó là ý chí và kỷ luật - nhân tố nền tảng tạo nên sự khác biệt và văn hóa đặc trưng của một doanh nghiệp quốc phòng. Chính vì vậy, việc xây dựng Quân cảng Sài Gòn - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn “Cách mạng, chính quy, hiện đại, văn minh, nghĩa tình” vừa là mục tiêu, định hướng đồng thời cũng là trách nhiệm, tình cảm của những người lính Hải quân đối với đất nước.
Nói về hai chữ “Nghĩa tình”, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm chia sẻ: Thực sự ban đầu tất cả cán bộ chiến sỹ, công nhân viên trong Tổng công ty đều cảm thấy nó chưa nhuyễn với khẩu hiệu, nhưng hai chữ “nghĩa tình” đó nói lên nhiều điều. Trước tiên nó là tình cảm với nhiệm vụ cấp trên giao; tiếp đó là nghĩa tình giữa con người với con người; giữa đồng đội với đồng đội; giữa những người đang ngày đêm cầm súng bảo vệ biển đảo; nghĩa tình với nhân dân, với thế hệ đi trước, với đồng nghiệp, với khách hàng...
Là một doanh nhân khoác áo lính, hơn ai hết, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm hiểu rõ: nếu chỉ quan tâm đến kinh doanh thôi chưa đủ, việc xây dựng bản lĩnh chính trị và giữ gìn phẩm chất của người lính cụ Hồ trên mặt trận kinh tế là hết sức quan trọng để thực sự thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến.
Với quyết tâm cao và cách nghĩ, cách làm năng động, sáng tạo của những người lính dưới sự dẫn dắt của người “thuyền trưởng” tài năng, giàu tâm huyết và tình yêu với biển, với tổ quốc, con tàu Tân cảng Sài Gòn sẽ còn đi đến những thành công mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng Hải quân./.
Theo VOV1